Vừa qua, Báo BHXH nhận được đơn của ông Lê Hữu Thứ (địa chỉ tại 15/31 Chu Văn An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) hỏi về chế độ độc hại trong lương hưu.
Theo nội dung đơn, ông Lê Hữu Thứ làm công nhân điện lực 37 năm. Từ tháng 8/1982 đến tháng 4/2015, là công nhân vận hành máy DIESEL (máy chạy bằng dầu DIESEL) để phát điện thuộc Phân xưởng phát điện – Điện lực Quảng Ngãi. Tháng 5/2015, ông Thứ chuyển sang làm công nhân xây lắp-đường dây-trạm điện thuộc Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Đến ngày 1/10/2019 nghỉ chế độ hưu.
“Trong hồ sơ của BHXH tỉnh Quảng Ngãi ghi tôi làm công nhân vận hành máy DIESEL từ năm 1997-2015. Vậy, công việc vận hành máy DIESEL của tôi trong thời gian trên có được tính là công việc có độc hại vào chế độ hưu trí không?”- ông Thứ hỏi.
Về trường hợp của ông Thứ, tại Điểm 28, Phần M, Mục Điện lực của Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định như sau: Tên nghề hoặc công việc “Công nhân vận hành, bảo trì trạm phát điện sử dụng dầu (trạm DIESEL)”; đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc “Công việc thường xuyên tiếp xúc dầu mỡ, chịu tác động tiếng ồn”.
Trường hợp của ông Thứ có thời gian công tác: Từ tháng 8/1982 đến tháng 4/2015 là công nhân vận hành máy DIESEL (máy chạy bằng dầu DIESEL) để phát điện thuộc Công ty Điện lực Quảng Ngãi.
Đối chiếu quy định nêu trên, thì nghề ông Thứ làm không đúng với tên nghề theo quy định. Do đó, không có căn cứ để tính thời gian từ tháng 8/1982 đến tháng 4/2015 là thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho ông Thứ.
BT