Theo thông tin Bộ Nội vụ CHLB Đức (The German Federal Ministry of the Interior- Building and Home Affairs), sau 1 năm triển khai Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao, quốc gia này đã cấp 30.000 thị thực cho các chuyên gia, tu nghiệp sinh, thực tập sinh người nước ngoài đủ điều kiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/3- 31/12/2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhận định về 1 năm triển khai Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ CHLB Đức Horst Seehofer cho rằng: Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao có thể coi là cột mốc quan trọng trong chính sách di cư của CHLB Đức. Sau 1 năm đi vào cuộc sống, các số liệu thu thập được đã tự nói lên tất cả. CHLB Đức đã thành công trong việc chiêu mộ được lực lượng NLĐ nước ngoài có trình độ, đồng thời, cũng cung cấp cho NLĐ nước ngoài một con đường hợp pháp để hòa nhập vào thị trường lao động của quốc gia này.
Sau khi Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao có hiệu lực, Văn phòng Ngoại giao Liên bang (Federal Employment Agency) được thành lập vào đầu năm ngoái để xử lý trực tuyến (online) đơn xin thị thực của NLĐ nước ngoài gửi từ khắp nơi trên thế giới. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/3- 31/12/2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh của các quốc gia, gần 30.000 thị thực của NLĐ nước ngoài đủ điều kiện của Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao đã được cấp.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức Hubertus Heil cung cấp thêm thông tin, đại dịch Covid-19 là “phép thử”, giúp làm sáng tỏ tầm quan trọng của NLĐ nước ngoài có tay nghề cao đối với thị trường lao động CHLB Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, CNTT... Già hóa dân số, cùng với công nghệ hóa ngày càng cao, tạo ra nhu cầu tiếp nhận NLĐ nước ngoài có tay nghề cao ở CHLB Đức. Luật Lao động nhập cư có tay nghề cao được ban hành tạo hành lang pháp lý để NLĐ nước ngoài đủ điều kiện dễ dàng tiếp cận, cũng như ứng tuyển, với thị trường lao động CHLB Đức; không chỉ vậy, Luật còn cho phép NLĐ nước ngoài tạm trú trong vòng nửa năm ở Đức để tìm kiếm việc làm.
Tùng Anh (Theo FEA)